Địa danh du lịch, Thông tin cần biết

Du lịch Sầm Sơn – Tìm hiểu “Di chỉ Khảo cổ học Đông Sơn”

Khách du lịch muốn đến Đông Sơn thì địa điểm Đông Sơn nằm ở vị trí: 2206 vĩ tuyến Bắc 114093’ kinh tuyến Đông, cách cầu Hàm Rồng không đầy 1km về phía Tây Bắc, cách thành phố Thanh Hoá ngày nay 4,65 km về phía Bắc – Đông Bắc, ngay bên hữu ngạn con sông Mã, nằm vào khoảng trung tâm đồng bằng Thanh Hoá được thành tạo bởi phù sa của hai sông Mã và sông Chu. Cảnh quan ở đây có đặc điểm là đồng bằng với nhiều núi đảo thành tạo do đất nền nằm nông có trầm tích kỷ Đệ tứ không dày lắm. Cứ nhìn vào – thế đất, thế núi, thế sông cũng đủ thấy người Đông Sơn xưa đã chọn địa điểm quần cư có một vị trí hết sức ý nghĩa cả về mặt kinh tế, quân sự lẫn chính trị biết chừng nào.

Khách du lịch Sầm Sơn 2 ngày có thể quan sát, dựa lưng vào núi Rồng, một bộ phận của những dãy núi đất, đá vôi chằng chịt xung qanh như núi Cảnh Tiên, núi Chồng Mâm, núi Cuộc, núi Mướn, núi Tún… là nơi từ đó có thể khai thác nguyên liệu gỗ, đá để dùng trong sản xuất, xây dựng, có thể săn bắt thú rừng hoặc phát triển chăn nuôi. Phía thượng lưu và trước mặt bên kia sông là dải đất bằng phẳng, rộng mênh mông thẳng cánh cò bay, rất thuận tiện cho việc làm ruộng, cấy trồng, có lẽ đó là nguồn sống chủ yếu của người Đông Sơn xưa và cũng từ đó và trên cơ sở đó góp phần xây dựng nên nền văn hoá trống đồng rực rỡ.

Lại ở ngay bên sông nước khiến nghề đánh cá hẳn còn giữ vị trí khá quan trọng trong nền kinh tế thời đó. Hơn nữa dùng sông nước làm phương tiện đi lại vốn là đặc điểm giao thông của người Việt xưa. Từ đây có thể ngược dòng sông Mã gắn bó với các nhóm tộc miền núi anh em hoặc có thể trôi xuôi ra biển giao tiếp với những miền đất xa xăm hơn.
Công ty du lịch Khát Vọng Việt thấy:  Ba mặt có núi cao ngăn cách, phía trước là sông, thật là vị trí tuyệt đẹp cho phòng thủ,  yếu tố khách quan khá tốt bảo đảm an ninh cho tập thể người ở đây sống vào thời điểm mà trong cuộc sống xã hội có nhiều biến động.  Là vùng kinh tế thịnh đạt, là đầu mối giao tiếp nối liền hệ thống các địa điểm quần cư khác như Thiệu Dương, Núi Nấp, Hoằng Lý, Hoằng Quỳ, Hoằng Phượng... là cứ điểm phòng ngự đáng tin cậy của miền, địa điểm Đông Sơn hẳn có vai trò khá lớn về chính trị. Biết đâu, đây lại không phải là trị sở của bộ Cửu Chân của nước Văn Lang xưa. Biết đâu đây chẳng phải là căn cứ cuối cùng của nghĩa quân Hai Bà do Đô Dương tập họp chống lại đội quân chinh phạt của Mã Viện.
Khu vực Đông Sơn có thể giữ tư cách là trung tâm của bộ Cửu Chân thời Hùng Vương như trên đã được chứng minh bằng ý nghĩa và tác dụng của vị trí địa lý tự nhiên của vùng này, nó còn có thể chứng minh bằng những chứng cứ khảo cổ học.

  Di chỉ khảo cổ học Đông Sơn được phát hiện năm 1924 do một sự ngẫu nhiên tình cờ. Lão nông Nguyễn Văn Lắm người làng Đông Sơn trong lúc đào giun để câu cá ngoài bờ sông Mã đã tình cờ phát hiện ra một nhóm đồ đồng do đất sông lở làm lộ ra. Khi đó những đồ đồng vừa tìm được ở đây bị lọt vào tay một số người ngoại quốc như A. Pouyanre, L. Pajot, ngay sau đó Trường Viễn Đông Bác Cổ (Louis Finot) liền uỷ nhiệm cho Pajot (2) – viên thương chính tỉnh Thanh Hoá lúc đó tiến hành những cuộc đào tìm cổ vật liên tục từ 1924 đến 1928 ở Đông Sơn, đặc biệt là dọc theo hữu ngạn sông Mã.

Một số lớn hiện vật đào được ở Đông Sơn đã được bán cho Trường Viễn Đông Bác Cổ. L.Aurouseau, Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ lúc đó dự định nghiên cứu món tài liệu đã sưu tập được và công bố các hiện vật, nhưng năm 1929 ông mất nên không kịp thực hiện kế hoạch của mình. Về sau, từ những tài liệu đó, V. Goloubew – nhà nghiên cứu nghệ thuật học đã tổng kết những cuộc đào của Pajot trong tác phẩm “Thời đại đồ đồng thau ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ” (L’ Age du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam – BEFEO, Hanoi, Vol XXIX, p. 1-16). Tuy phải thừa nhận có một thời đại đồng thau ở Việt Nam nhưng tác giả lại cho rằng niên đại của thời đại đó chỉ bắt đầu ở đất Cửu Chân mọi rợ từ thế kỷ I sau Công nguyên. Và do người bản xứ vốn còn ở thời kỳ đồ đá học được thuật luyện kim của người Trung Hoa mà có. Công trình này của Goloubew không soi sáng mảy may những điều cần biết về mặt tư liệu, nó hầu như không đem lại một hiểu biết gì về địa điểm nổi tiếng này.
Tiếp sau L.Pajot, năm 1934 trong khi dẫn đầu một chiến dịch khảo cổ do các Viện Bảo tàng ở Paris phối hợp với Trường Viễn Đông Bác Cổ cùng bảo trợ , ông George Coedes, bấy giờ là Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ đã uỷ thác cho O.Janse nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển tiến hành nghiên cứu địa điểm Đông Sơn. Từ tháng giêng năm 1935 cho đến năm 1939, O.Janse đã tiến hành 3 đợt khảo sát và khai quật tại Đông Sơn. Báo cáo của những lần khai quật ở đây đã được O.Janse công bố trong tập III công trình “Nghiên cứu Khảo cổ học ở Đông Dương” (Archaeological Research in Indo – China – Volum III – ST – Catherine. Press LTD – 1958).
So với L.Pajot thì O.Janse đã tiến hành khai quật ở Đông Sơn một cách có hệ thống và khoa học hơn, song dù sao đây vẫn chưa phải là một báo cáo khoa học thuần. Hoàn toàn không có sự theo dõi diễn biến của các di vật, di tích trong lớp đất văn hoá. Và tư liệu của O.Janse để lại hiện biết gây cho người đọc cảm giác về một niên đại quá muộn màng của địa điểm Đông Sơn, khi mà chủ nhân của nó đã tiếp xúc với văn hoá Hán.
Thành tựu lớn nhất của các cuộc khai quật Đông Sơn trước năm 1945 có lẽ chính là việc đưa di tích Đông Sơn vào nhận thức khoa học. Những chiếc trống đồng được sưu tầm đã có một cái nền khảo cổ. Đó là những di vật được tìm thấy trong di tích khảo cổ Đông Sơn. Chứng tích đó cho phép gọi những chiếc trống Heger I là trống Đông Sơn.
Nhìn chung những tư liệu gốc và những ý kiến do các học giả phương tây công bố và phát biểu về địa điểm Đông Sơn còn rời rạc, tản mạn và độ tin cậy thấp. Điều này đặt ra cho nền khảo cổ học nước nhà một nhiệm vụ nặng nề. Muốn hiểu thực sự về địa điểm này rõ ràng là phải kiểm tra một cách cẩn thận nghiêm túc nếu không muốn nói là phải trở lại từ đầu.

Cuối năm 1961 đầu năm 1962 cùng với nhiệm vụ của công tác nghiên cứu thời đại đồng thau nước nhà và sự thúc bách phải “chữa cháy”, nhằm giải phóng mặt bằng cho nhà máy Phân lân Hàm Rồng mở rộng phân xưởng. Đội khảo cổ học (lúc đó thuộc Vụ Bảo tồn Bảo tàng) đã triển khai đào khai quật 1000m2 tại khu vực ven sông sát nhà máy Phân lân hiện tại. Nhiều hiện vật, di tích hiếm quý đã được phát hiện. Kết quả của lần khai quật này đã làm rõ được di tích Đông Sơn có một tầng văn hoá khảo cổ khá dày, bị xáo trộn.  Khẳng định những điều thu nhận từ trước 1945 đó là khu di chỉ cư trú và mộ táng thuộc vào giai đoạn Đông Sơn muộn.

Kế hoạch 3 năm nghiên cứu thời đại Hùng Vương (1968 – 1970) đã thôi thúc các nhà khảo cổ trở lại Đông Sơn. Nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương dưới góc độ khảo cổ học, đương nhiên trọng tâm của nó là tìm hiểu lại văn hoá Đông Sơn mà khâu chủ yếu của nó là chính ngay địa điểm Đông Sơn. Mặt khác yêu cầu “chữa cháy” cho việc phục hồi lại nhà máy Phân lân Hàm Rồng sau chiến tranh phá hoại lần thứ nhất cũng đặt ra yêu cầu cho các nhà khảo cổ trở lại Đông Sơn. Trước cuộc khai quật này các hố khai quật đều tập trung ở khu vực ven sông. Cuộc khai quật Đông Sơn năm 1969 – 1970 đã diễn ra cả ở khu sườn núi và khu vực Cửa Luỹ (trong làng Đông Sơn) và cả khu vực ven sông. Diện tích khai quật đợt này là 509m2. Kết quả của lần khai quật này đã đem đến một nhận thức mới về khu di tích Đông Sơn. Qua địa tầng có thể phân rành mạch thành hai giai đoạn chính, phát triển liên tục của văn hoá Đông Sơn. Tính kế thừa trực tiếp của giai đoạn này còn được chứng minh qua tư liệu mộ táng. Đồng thời cuộc khai quật lần này lần đầu tiên đã đưa ra được những tài liệu về địa tầng cũng như mộ táng của một giai đoạn trước Đông Sơn, trực tiếp phát triển lên văn hoá Đông Sơn. Sau này với nhiều tài liệu mới bổ sung đã được gọi là giai đoạn văn hoá Quỳ Chử.
Cuộc khai quật năm 1976 được tiến hành thành hai đợt cũng do Viện khảo cổ học chủ trì, đã đào 684m2 trên khu vực sườn núi. Kết quả cuộc đào này đã khẳng định và làm rõ thêm địa tầng và các lớp mộ đã được phát hiện trong năm 1969 – 1970.
Ba cuộc khai quật lớn của các nhà khảo cổ Việt Nam với tổng diện tích là 2.275m2. Về mặt địa tầng ở khu vực sát bờ sông có thể khảo sát địa tầng ở hố V khai quật năm 1969 – 1970.
-Trên cùng là lớp cát sỏi dày trung bình 0,40m.
-Thứ hai là lớp đất màu đen sẫm, cứng và sỏi dăm thô, dày trung bình 0,60m, có vết tích giai đoạn tiếp xúc Hán và thời kỳ muộn hơn Hán.
-Thứ ba là lớp đất pha cát nhẹ và sỏi dăm, màu nâu xám hoặc xám vàng, dày 0,40m – 0,50m, có vết tích của giai đoạn trước khi tiếp xúc với Hán.
-Thứ tư là đất sét thịt pha cát, màu nâu, xám đen, xám trắng, dày 0,30m – 0,40m. Hiện vật thưa thớt, gốm mỏng hơn, dễ vỡ, khác với lớp trên.
Khu vực sườn núi có thể lấy địa tầng hố VII của đợt khai quật năm 1976 làm tiêu biểu.
-Trên cùng là lớp đất núi màu đỏ dày 0,60m – 1m, do máy ủi san bạt tạo thành.
-Thứ hai là lớp đất vàng sáng dày trung bình 0,60m, đất tơi mềm, có vết tích văn hoá muộn thuộc những thế kỷ sau Công nguyên. Phần trên của lớp đất này là đất canh tác. Như vậy lớp thứ hai này phần trên có thể tương ứng với lớp thứ nhất của khu bờ sông. Phần dưới tương ứng với lớp thứ hai của khu bờ sông.
-Thứ ba là lớp đất đen sẫm, dày trung bình 0,60m, đất cứng, có nhiều sỏi dăm, chứa phần lớn gốm thô và một ít gốm cứng muộn (khoảng 25%), chứa các mộ nhóm III. Lớp này tương đương với lớp thứ ba của khu bờ sông.
-Thứ tư là lớp đát đen xám, dày trung bình 0,40m – 0,50m. Đất mềm, mịn, màu sắc sáng hơn so với lớp trên, chứa gốm thô thuần và các mộ nhóm II. Lớp này tương đương với lớp thứ tư của khu bờ sông.
-Thứ năm là lớp đất sét vàng xám, dày trung bình 0,15m – 0,20m, thuần sét mịn, không có gốm, chứa nhóm mộ I. Lớp này tương dương với sinh thổ của khu bờ sông.

Trong tầng văn hoá, ngoài những mộ táng được chôn xen vào, những dấu vết của khu cư trú là những mảnh gốm vỡ, những hiện vật bằng nhiều chất liệu… còn có các di tích như những rãnh đất đen, đa số hình chữ nhật. Những hố đất đen có hình dáng ổn định, có chứa gốm và xương thú. Các hố chôn cột được phân bố theo quy luật nhất định. Các hố bếp bên cạnh có đá tảng xếp có ý thức. Có những cây gỗ có vết chặt, đục, đẽo, có lẽ là vết tích của nhà sàn.

Tóm lại, về mặt địa tầng có thể thấy là từ lớp đất thứ tư của khu bờ sông và lớp đất thư tư và thứ năm của khu sườn núi thuộc vào giai đoạn văn hoá trước Đông Sơn, phần còn lại của tầng văn hoá gồm lớp đất thứ hai, thứ ba của khu bờ sông và khu sườn núi thuộc vào giai đoạn văn hoá Đông Sơn. Tầng văn hoá sâu 1,40m – 1,80m, dày trung bình 1,00m – 1,40m. Phân biệt được hai giai đoạn trước khi tiếp xúc với Hán và đã tiếp xúc với Hán.

Về mặt mộ táng, khi so sánh phân tích các di vật có trong các mộ kết hợp với vị trí của mộ trong các lớp đất thâý có sự tương ứng giữa các lớp mộ và các lớp đất. Cụ thể là nhóm mộ nằm trong lớp đất sâu nhất màu vàng, lớp đất thứ năm ở khu sườn núi hoặc nằm ngay trên lớp đất vàng này chứa gốm minh khí, bình con tiện có vai tròn, vỏ màu nâu ca cao nhạt, dễ bong lớp áo, khuyên tai đá, vòng tay mặt cắt chữ T. Có đồ đồng nhưng rất ít, đặc biệt có loại dao xéo, giáo búp đa mặt cắt họng bầu dục. Có thể coi những mộ này thuộc giai đoạn trước Đông Sơn. Những nhóm mộ còn lại nằm trong lớp đất thứ tư trở lên thuộc văn hoá Đông Sơn. Tuy nhiên, có sự diễn biến sớm muộn rõ nét. Ở nhóm mộ nằm trong lớp thứ tư, đồ gốm minh khí giảm đi mạnh, vòng tai đá còn nhiều. Gần gũi với nhóm mộ trước Đông Sơn về chủng loại hiện vật. Nằm trong lớp đất thứ ba có các nhóm mộ xuất hiện gốm loại hình chậu hoa, nồi to. Gốm màu đỏ. Không còn gốm minh khí. Đồ đồng có những hiện vật điển hình của văn hoá Đông Sơn, vẫn còn khuyên tai. Nhóm mộ muộn hơn có nhiều kiểu loại bát gốm thô. Vòng tai đá bằng thạch anh và đá quý nhiều màu sắc. Xuất hiện đồ đồng minh khí. Ở nhóm mộ nằm trong lớp đất thứ hai, đồ tuỳ táng xuất hiện di vật ngoại lai, đồ thuỷ tinh, đồ sắt nhiều.

Số lượng mộ táng phát hiện được trong các cuộc khai quật của L.Pajot không được biết chính xác, chỉ còn lại 7 bản vẽ của các cuộc khai quật số 1, 2, 3 có lẽ được ấn định cho các ngôi mộ. Những cuộc khai quật của O.Janse phát hiện được 2 mộ bản địa và 16 hố mai táng. Cuộc khai quật 1960 – 1961 phát hiện được 35 mộ Đông Sơn trong đó 21 một có dấu vết của sự tiếp xúc Việt – Hán, 14 mộ thuần bản địa. Cuộc khai quật năm 1969 – 1970 và  1976 có thể phân biệt được rạch ròi hơn: giai đoạn trước Đông Sơn có 168 mộ, giai đoạn Đông Sơn sớm có 32 mộ, giai đoạn Đông Sơn đã tiếp xúc với Hán có 24 mộ.

Năm 2003 để chuẩn bị cho các hoạt động tiến tới kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hoá Đông Sơn (1924 – 2004), Sở Văn hoá Thông tin Thanh Hoá đã phối hợp với Khoa Sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc Gia tiến hành điều tra khai quật di chỉ khảo cổ học Đông Sơn lần thứ VI.

Sau quá trình khảo sát, điều tra và đào thăm dò, Đoàn khai quật đã quyết định mở hố khai quật tại khu vực Vườn chùa trong làng Đông Sơn. Vị trí hố khai quật lần này cách hố khai quật ở Cửa Lũy năm 1970 về phía Tây Nam 300m. Diện tích hố khai quật là 21m2 (7 x 3). Mặc dù diện tích khai quật không lớn nhưng kết quả rất khả quan, địa tầng hố khai quật ổn định không bị xáo trộn. Các lớp văn hoá phân biệt được giai đoạn văn hoá Đông Sơn tiếp xúc Hán, giai đoạn Đông Sơn trước khi tíêp xúc Hán và giai đoạn Tiền Đông sơn. Đặc biệt trong lớp đất sát tầng sinh thổ đã phát hiện lớp mộ sớm tương tự ở các hố đợt khai quật 1969 – 1970 và 1976. Như vậy hố khai quật năm 2003 đã đem lại một nhận thức mới về di chỉ Đông Sơn khu vực trong làng. Nếu như trước đây O.Janse khi khai quật trong làng Đông Sơn chỉ giới hạn niên đại sớm nhất vào thời Tống (thế kỷ X – XI). Cuộc khai quật 1969 – 1970 cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhận định khu di chỉ trong làng Đông Sơn có niên đại phân biệt được giai đoạn Đông Sơn trước khi tiếp xúc Hán. Kết quả chỉnh lý sơ bộ hố khai quật đợt VI đã cho chúng ta biết một giai đoạn văn hoá tiền Đông Sơn ở khu vực trong làng là rất rõ nét. Trong lớp đất văn hoá thứ IV gốm giai đoạn văn hoá Quỳ Chữ đã rất rõ rệt. Chỉ trong vòng 21m2 của lớp đất sét vàng xám (0,15 – 0,20cm) sát sinh thổ chúng ta đã phát hiện ít nhất dấu vết 8 mộ sớm (tương đương nhóm mộ I ở Hố khai quật số VII đợt 1976). Theo phân tích của PGS-TS khảo cổ học Phạm Minh Huyền (Viện Khảo cổ học Việt Nam) các mộ ở hố khai quật Vườn chùa 2003 có dạng mộ quây đá, mộ đất.

Hố khai quật di chỉ Đông Sơn trong làng năm 2003 đã cho chúng ta có sự đánh giá lại những gì trước đây chúng ta quan niệm về di tích Đông sơn khu vực trong làng. Tầng văn hoá khảo cổ không hề mỏng mà tương đối dày  trung bình 1m50. Điều đặc biệt là khu di chỉ trong làng Đông sơn cũng là khu di chỉ cư trú và mộ táng đồng tính chất như khu vực ngoài bờ sông Mã thu hút được nhiều khách du lịch khám phá lịch sử đến đây.

Khu vực phát hiện hố khai quật có diện tích rộng hàng ngàn m2 lại nằm ở khu vực Vườn chùa, sân kho hợp tác của thôn Đông Sơn là địa điểm lý tưởng để khoanh vùng bảo vệ nghiên cứu lâu dài.
Di tích khảo cổ học Đông Sơn qua 6 lần khai quật chính thức và nhiều lần điều tra thám sát đã đem lại một khối tư liệu phong phú về các loại hình di tích từ di tích cư trú( nhà sàn, bếp đun…) cho đến di tích mộ táng. Hàng vạn hiện vật độc đáo từ những trống đồng Đông Sơn biểu trưng của thủ lĩnh vùng cho đến những hòn chì lưới của người nông dân đánh cá, từ những hiện vật của các vùng miền xa xôi trên thế giới cho đến những mảnh gốm được nung đốt trên chính đất Đông Sơn, tất cả đã phản ánh một cách sinh động khách quan trình độ của đời sống vật chất – tinh thần của người Đông Sơn. Đây chính là vùng đất  trung tâm của Văn minh lưu vực Sông Mã thời kỳ Hùng Vương./.

Bạn đọc thông tin bổ ích về du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa, và đang thắc mắc đi gì đến Sầm Sơn Thanh Hóa, để có chuyến đi khám phá này, hãy tham khảo qua link sau, để bạn du lịch Sầm Sơn Thanh Hóa giá rẻ và phù hợp nhất: https://thuexedidulich.com/thong-tin-can-biet/di-gi-den-sam-son-re-va-hop-ly-nhat/